[TRUYỆN “LẬU”- NƠI CHẤT XÁM CỦA TÁC GIẢ BỊ CHO KHÔNG]

        Việc đọc sách, truyện không bản quyền từ lâu đã trở thành thói quen, một điều gì đó rất đỗi tự nhiên đối với nhiều người, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay khi mọi người có nhiều thời gian rảnh rỗi để “cày” sách truyện, vấn đề này lại trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Vậy, lý do gì khiến nhiều người đọc truyện “lậu”? Tại sao hành vi đó được cho là phạm pháp? Hãy cùng ICJC tìm hiểu qua viết bài dưới đây nhé. 

        Để làm rõ vấn đề, trước tiên phải phân biệt được thế nào là truyện có bản quyền và thế nào là truyện “lậu”. Truyện có bản quyền là truyện đã được tác giả cấp phép, theo đó, các trang trực tuyến sẽ phát hành truyện đến người đọc. Người theo dõi có thể đọc miễn phí hoặc phải trả tiền tùy theo quy định của nhà phát hành. Trái ngược với đó là truyện "lậu" hay truyện không có bản quyền. Có lẽ vì tính tiện lợi và dễ tiếp cận mà nhiều trang truyện "lậu" đôi khi còn phát triển, thu hút nhiều người hơn các trang chính thống. 

        Với sự phát triển quá mức rầm rộ của truyện không bản quyền, ngành dịch truyện “lậu” cũng từ đó mà thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo đó, ngành dịch truyện tranh đã có hẳn một thuật ngữ là "Scanlation" chỉ những người tự scan truyện tranh thành dữ liệu số và dịch sang ngôn ngữ khác để những người theo dõi có thể thưởng thức những ấn phẩm bằng ngôn ngữ riêng của họ. 

        Giống như việc “ăn bánh mà không trả tiền”, đọc truyện “lậu” gây ảnh hưởng lớn đến người sáng tạo ra chúng. Đầu tiên, dễ dàng nhận thấy nó làm sụt giảm doanh thu bán truyện của tác giả. Bạn có bao giờ nghĩ việc đọc lậu khiến tác giả không nhận được lợi nhuận mình mong muốn, dễ gây nên sự chán nản, khiến nội dung những chương truyện sau kém hấp dẫn, hay thậm chí là bỏ viết truyện không. Hãy thử nghĩ xem, khi tác phẩm bạn dày công tạo nên bị phát tán khi chưa có sự đồng ý của bạn, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Các nhà sáng tạo cũng như thế đấy. Ở mức độ rộng hơn, hành vi này còn ảnh hưởng đến doanh số thị trường truyện của cả quốc gia. Điển hình có thể kể đến thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ khi hàng loạt các trang web bất hợp pháp nở rộ khiến nhiều hiệu bán truyện phá sản. Điều này dẫn đến một thực tế đáng buồn rằng số ấn phẩm mua bản quyền truyện tranh ở Bắc Mỹ giảm từ 1.500 năm 2007 xuống chỉ còn 695 năm 2011. Hay một thị trường nổi tiếng khác là Nhật Bản, theo bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI), 50% số độc giả truyện tranh tại Mỹ và 12% tại Nhật hiện nay sử dụng các ấn phẩm lậu trên mạng, khiến họ chịu tổn thất 20 tỷ USD/năm. Hơn nữa, việc đọc, xem “chùa” như vậy còn tạo thói quen xấu cho độc giả. Họ nghiễm nhiên cho rằng việc được xem miễn phí là đương nhiên, gây nên những suy nghĩ, tư tưởng lệch lạc và khiến cho việc ngăn chặn nạn đọc truyện chui ngày một khó khăn. Điển hình như vụ độc giả Việt vào trang Twitter của họa sĩ Hàn Quốc "chửi bới" tác giả vì kiện bản quyền và không cho họ đọc truyện miễn phí.

        Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc nguyên nhân vì sao truyện không có bản quyền lại được nhiều người đón nhận như vậy? Đầu tiên, nguyên nhân phổ biến nhất là vì truyện “lậu” miễn phí. Có thể thấy đối tượng chủ yếu theo dõi truyện nằm ở nhóm tuổi vị thành niên, khi họ chưa kiếm được thu nhập cho bản thân. Như một điều hiển nhiên, họ sẽ có xu hướng tìm những trang web miễn phí để thỏa thích đọc những thứ họ muốn. Nguyên nhân tiếp theo là do truyện “lậu” phát hành rất sát lịch của truyện gốc. Để thỏa mãn nhu cầu của độc giả, web sẽ đăng tải các chương truyện tiếp theo lên sớm nhất có thể, hay thậm chí có khi còn sớm hơn cả những trang chính thống. Không những vậy, truyện “lậu” với đội ngũ dịch giả hùng hậu, luôn có sẵn bản dịch Tiếng Việt cho người đọc. Thay vì đọc bản gốc chưa được dịch, người đọc chỉ cần ngồi một chỗ, vô tư thưởng thức tác phẩm “phạm pháp” này. 

        Tất nhiên, những độc giả có thói quen đọc truyện không mất tiền đã trực tiếp tiếp tay cho những web “lậu” này. Họ cứ vô tư đọc hay tải về mà không hề để ý đến công sức, chất xám của người sáng tạo chúng khiến việc chống lại sách lậu càng trở nên khó khăn. Tiếp đến là tác giả, đặc biệt là những tác giả trẻ, chỉ vì muốn tác phẩm của mình được nhiều độc giả biết đến hơn, mà công khai hay sẵn sàng tiếp tay cho các web "lậu": “Nếu bạn thích copy thì cứ việc, nhưng chỉ cần đề tác phẩm đó là của tôi và để đường link tới blog hoặc website nơi tôi công bố” - một số cây bút trẻ đã viết thêm vào cuối tác phẩm của mình. Và cuối cùng, về phía nhà xuất bản, dù tình trạng sao chép truyện tràn lan nhưng chỉ có một số ít lên tiếng mạnh mẽ. Một số thừa nhận họ không có đủ lực lượng cũng như thời gian để kiểm tra xem trang web nào vi phạm. Một số khác nhận thấy truyện của họ chưa ra sạp đã xuất hiện tràn lan trên mạng liền yêu cầu các web gỡ bản sao chép, kết quả là các web không những không bị gỡ mà nhà xuất bản còn bị độc giả tẩy chay. 

        Các bạn thân mến, chúng ta chắc hẳn ai cũng ít nhiều, vô tình hay cố tình đọc sách, truyện lậu trên Internet. Đừng nên chỉ vì bản thân mà không coi trọng chất xám của người khác như vậy. Chúng ta, những con người văn minh, hãy tập thói quen đường hoàng, giống như ăn bánh trả tiền, đọc truyện hãy trả tiền như cách để ủng hộ, tiếp sức cho tác giả sáng tạo ra những nội dung hay, hấp dẫn hơn, các bạn nhé!

        Chúng mình là ICJC, rất vui vì được cập nhật thông tin thú vị cho mọi người. Đừng quên LIKE, SHARE, COMMENT để tương tác với ICJC và nhận thêm nhiều tin tức nóng hổi nhé! Chúc các bạn một buổi tối vui vẻ. Cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau.

Nguồn:

lag.vn

Truyện bản quyền (Phần 1): Lợi ích của việc đọc truyện lậu là gì? (lag.vn)

Truyện bản quyền (Phần 2): Tác hại đáng sợ của việc đọc truyện lậu là gì? (lag.vn)

            kênh 14

Dịch thuật truyện tranh: Ngành công nghiệp đầy tranh cãi khiến Nhật Bản thiệt hại 20 tỷ USD mỗi năm (kenh14.vn)

            mic.gv.vn

Sách lậu trên mạng: Cuộc chiến tác quyền khó phân thắng bại (mic.gov.vn)

---------------------------------

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
[B]: ICJC (icjchotnews.blogspot.com)
[F]: Information - Commentary Journalism Club – ICJC | Facebook
[E]: icjclub2021@gmail.com
[H]: Chủ tịch: Nguyễn Thị Mai Anh – 0705558418     
 Phó chủ tịch: Vũ Thảo Trang – 0869890946
                         Trần Hải Nam – 0921539187

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

SỰ TRỖI DẬY CỦA DRAG QUEEN TẠI VIỆT NAM

KHAI BÁO LÀ YÊU NƯỚC, TRUNG THỰC LÀ THƯƠNG DÂN

TUYỂN THẲNG F0, F1 - CON DAO HAI LƯỠI