THẮNG TUNG HÔ, THUA MIỆT THỊ

        Sau phần thi của vận động viên Quách Thị Lan ở bộ môn điền kinh tại nội dung bán kết 400m rào nữ, Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 đã khép lại với Việt Nam, theo đó là nhiều tiếc nuối khi đoàn thể thao chúng ta không giành được huy chương nào, từ đó không được xếp hạng trên bảng tổng sắp huy chương. Ra về tay trắng, vẫn có những người tung hô, ủng hộ và động viên nhưng  cũng có một số thành phần lao vào chỉ trích, chửi rủa và miệt thị những thành viên của đoàn thể thao Việt Nam. 

        Một trong số vận động viên bị miệt thị là Nguyễn Tiến Minh. Anh từng được mọi người gọi là niềm hy vọng của cầu lông Việt Nam tại sân chơi Olympic trước khi thất bại trong trận đấu với tay vợt đứng thứ 3 thế giới - Anders Antonsen. Họ coi anh là vận động viên đã hết thời, đã quá tuổi, nên ở nhà và nhường lại sân diễn cho lứa trẻ, đi chỉ tốn tiền thuế,... Hay như trường hợp của Đương kim Huy chương vàng bộ môn bắn súng - vận động viên Hoàng Xuân Vinh: người hâm mộ nói rằng thành tích 5 năm trước tại Olympic Rio 2016 chỉ là ăn may, tai nạn,...

        Họ đâu biết rằng, dù cả 2 vận động viên đều quá tuổi nhưng chưa có người đủ khả năng làm được như họ để nối tiếp. Thậm chí có những người dù không biết Olympic là gì cũng buông những lời khó nghe. Một sự thật đau lòng khác, nếu những người miệt thị kia biết rằng họ đã vất vả như thế nào, có những vận động viên đã phải nén đau, cố gắng thi đấu cho dù chấn thương chưa bình phục, thì có lẽ họ đã không buông những lời cay đắng như thế.

        Có thể thấy, một trong những lý do tất yếu khiến đội tuyển Việt Nam không thể đạt huy chương là từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ đầu năm 2020, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài sang đến cả 2021 khiến công việc luyện tập của các vận động viên đã khó khăn lại càng gian khổ hơn. Một số bộ môn các vận động viên còn không thể ra ngoài thi đấu. Đối với những người may mắn được cọ sát tại các giải ngoại để có suất dự Olympic, họ sau khi trở về nước phải cách li tập trung từ 1 đến 2 tháng, rất khó khăn trong việc chuẩn bị và luyện tập cho kỳ Olympic sắp diễn ra. 

        Một lý do khác không thể phủ nhận, đó là việc thể thao Việt Nam vẫn chưa là gì khi ở một đấu trường lớn như Olympic. Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn cho hay: "Chúng ta nhận thức được rằng, Olympic là đấu trường lớn đối với thể thao. Đến với Thế vận hội, mục tiêu đặt ra là từng nội dung phấn đấu vượt qua chính mình. Tuy nhiên, trên cơ sở thực trạng về thành tích các vận động viên của đoàn, chúng ta cũng có điểm sáng để đoàn đặt ra mục tiêu phấn đấu có huy chương, nhưng xác suất rất thấp.

        Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên có những nội dung vận động viên thi đấu đạt được mục tiêu đề ra, có một số nội dung vận động viên thi đấu chưa đạt được thậm chí là thấp hơn thành tích mà vận động viên đã giành được trong thời gian vừa qua như: Taekwondo, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Bắn cung, Judo. Đây là những môn hy vọng sẽ có những đột phá tại Thế vận hội lần này, trong đó có môn được tập huấn thi đấu nước ngoài (Taekwondo) nhưng không có sự cải thiện đáng kể về thành tích và điểm hạn chế, bộc lộ rõ nhất vẫn là thể lực. Ngoài ra, vấn đề chấn thương của một số vận động viên cũng là cản trở lớn trong quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu tại Thế vận hội”. Tuy không đạt được những thành tích như mong muốn nhưng việc các vận động viên thi đấu tại một đấu trường lớn như vậy cũng giúp họ cọ sát, lấy thêm nhiều kinh nghiệm hơn. Như kinh nghiệm mà ông cha ta đã truyền lại:

“Thua keo này ta bày keo khác.”

        Một lý do khác, đó là việc thiếu thốn nguồn đầu tư. Mặc dù ngân sách chi từ Trung Ương đã tăng khá nhiều so với năm trước: năm 2019 chi cho sự nghiệp thể thao là 572 tỉ đồng thì tới năm nay đã tăng lên 780 tỉ đồng. Nhìn vào những gì đang được đầu tư, ta hoàn toàn có thể thấy được rằng, Việt Nam đang quan tâm hơn bao giờ hết đối với thể thao. Tuy ngân sách chi nhiều như vậy nhưng vẫn là chưa đủ để thể thao Việt Nam tăng tốc. Mặc dù đã có nhiều quy định về lương thưởng, hỗ trợ chế độ và tiền ăn nhưng vẫn không thể cải thiện được tình hình này trong “một sớm một chiều”. Một huấn luyện viên có thành tích cao của tỉnh Bắc Kạn từng nói rằng: “Các em được tuyển vào đội năng khiếu của tỉnh cũng không được đóng học phí, gia đình vẫn phải tự lo. Đi theo thể thao quá khó khăn, vì thế nhiều lần chúng tôi đã tuyển được VĐV tài năng nhưng gia đình không cho con em theo tập. Ở nhà các cháu còn có thể vừa đi học vừa làm ruộng, chăn trâu phụ giúp gia đình."

        Có thể thấy, thể thao Việt Nam vì còn nhiều khó khăn mà chưa thể bứt tốc và phát triển tại các đấu trường lớn như Asiad hay Olympic. Tuy nhiên, thay vì chỉ trích những vận động viên đã bất chấp khó khăn để đại diện Việt Nam ở đấu trường quốc tế, chúng ta hãy cùng nhau ủng hộ họ, tạo động lực thúc đẩy thể thao nước nhà đăng quang ở các đấu trường thế giới, góp phần đưa nền văn hóa thể thao ở Việt Nam được phát triển ngày càng lớn mạnh. Biết đâu, sau nhiều năm nữa, chúng ta sẽ được thấy những Hoàng Xuân Vinh hay Nguyễn Thị Ánh Viên thứ hai, thứ ba,... đặt tay lên ngực, tự hào hát quốc ca tại Olympic? 

        Chúng mình là ICJC, rất vui vì được cập nhật thông tin thú vị cho mọi người. Đừng quên LIKE, SHARE, COMMENT để tương tác với ICJC và nhận thêm nhiều tin tức nóng hổi nhé! Chúc các bạn một buổi tối vui vẻ. Cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau. 

Tham khảo: 


---------------------------------

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
[B]: ICJC (icjchotnews.blogspot.com)
[F]: Information - Commentary Journalism Club – ICJC | Facebook
[E]: icjclub2021@gmail.com
[H]: Chủ tịch: Nguyễn Thị Mai Anh – 0705558418     
 Phó chủ tịch: Vũ Thảo Trang – 0869890946
                         Trần Hải Nam – 0921539187

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

SỰ TRỖI DẬY CỦA DRAG QUEEN TẠI VIỆT NAM

KHAI BÁO LÀ YÊU NƯỚC, TRUNG THỰC LÀ THƯƠNG DÂN

TUYỂN THẲNG F0, F1 - CON DAO HAI LƯỠI