GÓC KHUẤT CUỘC SỐNG GIỮA ĐẠI DỊCH

        Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố đã ra công văn hỏa tốc về việc giãn cách toàn thành phố. Theo đó, những hoạt động không thiết yếu buộc phải dừng khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhiều người lao động rời quê lên thành phố mất đi việc làm, không có nguồn thu nhập chính, và hơn cả, họ bị mắc kẹt giữa chốn xa lạ, nhiều người phải “thắt lưng buộc bụng” sống qua ngày hay phải nhờ đến sự trợ giúp của các nhà hảo tâm. Phía sau sự chật vật mưu sinh ấy là gánh nặng kinh tế khi cha mẹ, con cái ở quê đang mong ngóng, đợi chờ từ đồng lương ít ỏi của họ. 

        Bỏ lại quê hương, con cái, cha mẹ già để lên thành phố mưu sinh đã trở thành nhu cầu sinh kế tất yếu của nhiều người. Chúng ta có thể thấy sự khó khăn của những người lao động xa quê, đang phải sống lay lắt qua ngày thông qua hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Sáu. Chị đã thuê căn phòng 15m2 ở cổng sau bệnh viện K Tam Hiệp, Thanh Trì để ở kết hợp với bán đồ ăn, duy trì cuộc sống cũng như lấy tiền chữa bệnh ung thư mắt cho con. Điều trị hơn 10 năm, con gái chị Yến Nhi không còn đáp ứng phác đồ nào. Để kéo dài sự sống, cô bé buộc phải sử dụng một loại thuốc từ Sài Gòn gửi ra, mỗi tháng tiền thuốc lên đến 6 triệu đồng. Bây giờ, khi công việc buôn bán của chị bị dừng lại do dịch bệnh, Nhi không được dùng thuốc, những cơn đau bắt đầu ập đến với em. Mỗi khi lên cơn, cô bé thường tự đấm vào mắt, cào cấu khắp người, dùng kéo tự cắt tóc. Những lúc như vậy, chị Sáu lại sang hàng xóm vay nóng 2 triệu đồng rồi đưa con vào viện tiêm morphine giảm đau, nhưng thuốc cũng chỉ kéo dài được vài bữa. Đến hạn, chủ nợ đến đòi nợ nhưng thấy hoàn cảnh hai mẹ con, họ lại bỏ về.

        Một ví dụ điển hình khác cũng bị dịch bệnh làm đảo lộn cuộc sống là bà Triệu Thị Danh, ở ấp Phước An, xã Phú Tân (Châu Thành) không khỏi lo lắng khi hay tin Thành phố Hồ Chí Minh bùng phát dịch COVID-19 bởi bà có 5 người con và cháu ngoại làm ở xưởng gỗ, giầy da, may công nghiệp trên thành phố, trong đó có 1 người đã dương tính với COVID-19 đang phải cách ly điều trị. Hiện tại, cả hai vợ chồng bà tuổi đã ngoài 70 nhưng phải chăm sóc các cháu đang tuổi ăn học từ mẫu giáo đến lớp 6. Bà kể: “Có đứa thì bị cách ly, đứa thì công việc đang tạm ngưng, số còn lại làm việc cầm chừng, khó khăn lắm. Tui đang lo tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập không có thì tiền đâu gởi về lo cho tụi nhỏ, cả tháng nay phải chi tiêu tiết kiệm lắm mới sống được qua ngày, nếu dài hạn như vậy hổng biết sống sao luôn”.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no.”
        Không chỉ những nhà mạnh thường quân giúp đỡ, mà ngay cả những người lao động xa quê cũng tự đoàn kết lại, chia sẻ cho nhau nào là bao gạo, nào là hộp sữa… thắp lên “ngọn lửa” yêu thương vượt qua đại dịch. Dù là mỗi người họ làm những công việc khác nhau: Thanh niên trai tráng thì đi làm thuê, phụ hồ, chạy xe ôm; Còn phụ nữ đi làm lao công hay ra chợ buôn bán, người nào lớn tuổi thì đi nhặt nhạnh ve chai kiếm miếng ăn… Nghèo thì có nghèo nhưng những người họ sống rất có nghĩa có tình. Họ có món gì ngon, có món gì dư cũng sẵn sàng chia sớt nhau ăn. Chị Gấm kể: Từ lúc giãn cách, tiền ăn mọi người góp đã gần hết, vì tháng vừa rồi làm được mươi ngày công thì phải dừng vì giãn cách. Ông cai tốt tính thỉnh thoảng mang cho ít gạo, ít rau nhưng cũng không đủ. Buổi trưa hôm đấy, có hai người lạ đi xe máy, chở lỉnh kỉnh gạo, mì tôm, rau củ nói với chị: "Của ít lòng nhiều, chị nhận hai túi này, cố gắng giữ sức khỏe qua dịch nhé". Mỗi túi quà chị Gấm vừa nhận có 5kg gạo, chục gói mì, một chai dầu ăn, chai nước mắm, gói bột ngọt và vài mớ rau. Bữa trưa hôm ấy, nồi cơm chan với mì gói của hơn chục người thợ thoáng cái đã hết veo.

        Các bạn thấy đấy, dù chịu thiệt thòi, khó khăn vất vả trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhưng những người lao động xa quê vẫn tuân thủ mọi chỉ thị của chính phủ, họ đoàn kết giúp đỡ nhau cùng vượt qua đại dịch. Chúng ta cũng vậy, dù cuộc sống có bị xáo trộn ra sao vẫn phải cố gắng vượt qua khó khăn, vững tin vào một ngày mai tươi sáng. Và hơn hết, hãy cùng đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh, các bạn nhé!

        Chúng mình là ICJC, rất vui vì được cập nhật thông tin thú vị cho mọi người. Đừng quên LIKE, SHARE, COMMENT để tương tác với ICJC và nhận thêm nhiều tin tức nóng hổi nhé! Chúc các bạn một buổi tối vui vẻ. Cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau. 

        Tham khảo: 
            Báo Tuổi trẻ: 

---------------------------------

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
[B]: ICJC (icjchotnews.blogspot.com)
[F]: Information - Commentary Journalism Club – ICJC | Facebook
[E]: icjclub2021@gmail.com
[H]: Chủ tịch: Nguyễn Thị Mai Anh – 0705558418     
 Phó chủ tịch: Vũ Thảo Trang – 0869890946
                         Trần Hải Nam – 0921539187

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

SỰ TRỖI DẬY CỦA DRAG QUEEN TẠI VIỆT NAM

KHAI BÁO LÀ YÊU NƯỚC, TRUNG THỰC LÀ THƯƠNG DÂN

TUYỂN THẲNG F0, F1 - CON DAO HAI LƯỠI