TẤN CÔNG MẠNG: LÒNG YÊU NƯỚC HAY HÀNH ĐỘNG QUÁ KHÍCH?

        Câu chuyện xoay quanh văn hoá mạng của các cổ động viên bóng đá Việt Nam vẫn đang là chủ đề bàn tán trong nhiều năm nay. Mới đây, sau thất bại của đội tuyển Việt Nam trước UAE trong trận đấu diễn ra vào đêm ngày 15/6, không ít "cổ động viên" đã lao vào tấn công Facebook của vị trọng tài điều khiển trận đấu người Iraq sau khi ông này đã có những quyết định bất lợi cho đội tuyển Việt Nam.

        Không khó để chúng ta có thể tìm thấy trên trang Facebook cá nhân của vị trọng tài này hàng loạt những bình luận bằng Tiếng Việt với những từ ngữ khiếm nhã. Cụ thể, rất nhiều cổ động viên quá khích đã đe dọa, chửi bới hay thậm chí là lăng mạ trọng tài Ali Sabah Adday Al-qaysi. Bên cạnh đó, rất nhiều tài khoản có tên Tiếng Việt cũng đã đăng tải vô số các hình ảnh hay video có mặt ông Ali trước bát nhang với lời lẽ rất thiếu tôn trọng. Trước áp lực quá lớn từ phía dư luận, tài khoản của ông đã bị khóa ngay sau đó.

        Điều đáng nói là, không chỉ lần này, tiền lệ tấn công trọng tài online đã có từ nhiều năm, đặc biệt trước và sau các trận đấu đáng chú ý của đội nhà. Việc này đã lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi chúng ta thậm chí có thể coi đây là điều tất yếu sẽ xảy ra khi bất cứ vị trọng tài nào đó có những quyết định gây bất lợi cho đội tuyển Việt Nam. Những hành động và lời lẽ thiếu tôn trọng ấy đã góp phần ghi tên Việt Nam ở vị trí số 5 trên bảng xếp hạng các quốc gia có nền văn minh mạng kém nhất thế giới. (Theo DCI - chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft)

        Vậy thì tại sao một chuyện không hề đáng tự hào như vậy lại có thể tiếp diễn đến tận hôm nay? Câu trả lời nằm ở ý thức của các cổ động viên bóng đá. Một số người cho rằng tấn công facebook là “ngầu”, là “yêu nước”, là tinh thần đoàn kết, và họ cho rằng thế mới là hình phạt xứng đáng đối với người trọng tài bị coi là THIÊN VỊ này.

        Chứng kiến thực trạng đáng buồn như trên, một lượng lớn tài khoản mạng xã hội đã bày tỏ sự thất vọng về sự “thiếu giáo dục” của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Đến cả những người dân Việt Nam khi thấy đồng bào của mình tỏ ra kém văn minh trên mạng xã hội còn khó chịu và không chấp nhận được thì các quốc gia khác sẽ nghĩ như thế nào?

            Trong các cuộc thi đấu bóng đá thì những quyết định gây tranh cãi là điều khó tránh khỏi, trọng tài chỉ là người giúp trận đấu đó công bằng nhất có thể mà thôi. Chúng ta có thể buồn và bức xúc khi những điều không hay xảy ra trong trận đấu bởi trọng tài cũng có lúc sai sót, nhầm lẫn, nhưng không nên đi quá giới hạn của mình. Những lời chửi mắng, miệt thị hay đe doạ người khác không thể thay đổi bất cứ quyết định nào đã được đưa ra từ phía tổ trọng tài, mà chỉ thể hiện sự thiếu văn minh khi sử dụng mạng xã hội của các cổ động viên Việt Nam.

        Mọi hành động và lời nói của mỗi cá nhân đều là bộ mặt đất nước. Suy nghĩ thật kĩ, ngưng đổ lỗi cho ngoại cảnh, và cư xử “fair play” là cách để Việt Nam “ghi điểm” trong mắt bạn bè quốc tế. Đừng bao giờ nâng tầm đất nước bằng cách coi thường các quốc gia khác các bạn nhé!

        Việt Nam còn vòng sau, vòng sau nữa, còn rất nhiều cơ hội để chứng minh bản thân. Các anh hùng trên sân cỏ đang cố gắng để thể hiện hết khả năng của mình. Chúng ta phải tin tưởng các cầu thủ và nghĩ rằng kết quả không quan trọng bằng màn trình diễn rất tuyệt của các cầu thủ đội nhà trong suốt trận đấu. Đó mới là điều khiến chúng ta tự hào hơn cả.

        Chúng mình là ICJC! Rất vui vì được cập nhật những thông tin thú vị cho mọi người. Đừng quên tương tác với chúng mình thật nhiều để khám phá thêm những tin tức HOT trong ngày nhé. Chúc các bạn một buổi tối tuyệt vời. Cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau.

-------------------------------------
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
[F]: Information - Commentary Journalism Club – ICJC | Facebook
[E]: icjclub2021@gmail.com
[H]: Chủ tịch: Nguyễn Thị Mai Anh – 0705558418


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

SỰ TRỖI DẬY CỦA DRAG QUEEN TẠI VIỆT NAM

KHAI BÁO LÀ YÊU NƯỚC, TRUNG THỰC LÀ THƯƠNG DÂN

TUYỂN THẲNG F0, F1 - CON DAO HAI LƯỠI